BÀI 1: BẠN ĐÃ HIỂU HẾT VỀ SÔNG ĐỒNG NAI?
Thứ sáu - 11/04/2014 07:56
Sông Đồng Nai là một hệ thống sông lớn ở phía Nam cũng như trong cả nước ta, đặc biệt là về lượng nước. Hệ thống sông này phát triển trên các cao nguyên Mạ, Mnông, Di Linh và Lâm Viên ở phía Nam Tây Nguyên và một phần của đồng bằng Nam Bộ; chỉ có một bộ phận rất nhỏ thuộc đất nước Campuchia (khoảng 668 km2 , chiếm gần 2% diện tích toàn lưu vực). Lưu vực sông là một vùng kinh tế rất trù phú, nhất là về các cây công nghiệp nhiệt đới như: Cao su, chè, cà phê… trong lưu vực sông đã xây dựng những trung tâm thủy điện. Cửa sông Đồng Nai rộng và sâu, thuộc kiểu cửa sông vịnh nên thuận tiện cho phát triển giao thông thủy.
BÀI 1: BẠN ĐÃ HIỂU HẾT VỀ SÔNG ĐỒNG NAI?
1. HÌNH THÁI, ĐẶC ĐIỂM THỦY VĂN SÔNG ĐỒNG NAI:
Sông Đồng Nai là một hệ thống sông lớn ở phía Nam cũng như trong cả nước ta, đặc biệt là về lượng nước. Hệ thống sông này phát triển trên các cao nguyên Mạ, Mnông, Di Linh và Lâm Viên ở phía Nam Tây Nguyên và một phần của đồng bằng Nam Bộ; chỉ có một bộ phận rất nhỏ thuộc đất nước Campuchia (khoảng 668 km2, chiếm gần 2% diện tích toàn lưu vực). Lưu vực sông là một vùng kinh tế rất trù phú, nhất là về các cây công nghiệp nhiệt đới như: Cao su, chè, cà phê… trong lưu vực sông đã xây dựng những trung tâm thủy điện. Cửa sông Đồng Nai rộng và sâu, thuộc kiểu cửa sông vịnh nên thuận tiện cho phát triển giao thông thủy.
1.1/ Một vài đặc điểm về hình thái cơ bản:
Sông Đồng Nai dài khoảng 586km, diện tích lưu vực khoảng 36.000 km2. Sông Đồng Nai, phía thượng lưu có tên là Đa Dung, bắc nguồn từ phía Bắc dãy núi Lang Biang ở độ cao 1.770m. Sau khi hợp lưu với sông Đa Nhim, sông có tên là Đạ Đờng hay còn gọi là Đồng Nai Thượng, từ đó đến chổ hợp lưu với sông Sài Gòn, sông mang tên chính thức là sông Đồng Nai, khi đến khu vực thành phố Hồ Chí Minh, sông chia làm hai chi lưu chính:
+ Sông Lòng Tàu (sông Sài Gòn) chảy vào vũng Cần Giờ; cửa sông rộng và sâu nên tàu bè ra vào cảng Sài Gòn đều đi theo đường này.
+ Sông Nhà Bè đổ ra biển Đông qua cửa Soài Rạp. Sông Vàm Cỏ Đông, Tây từ Campuchia về đổ vào sông Đồng Nai qua cửa này. Cửa sông Soài Rạp rất rộng, có thể tới 11km, song việc đi lại khó khăn do vướng nhiều soi, bãi cát.
Sông Đồng Nai uốn thành những khúc cong lớn trên cao nguyên Đà Lạt, nhất là trên cao nguyên Di Linh, song nhìn chung sông chảy theo hướng khá đặc biệt Đông Bắc – Tây Nam. Cho mãi đến TP Biên Hòa, sau khi hợp lưu với sông Bé, sông mới chuyển sang hướng Tây Bắc – Đông Nam khá điển hình
Sông Đồng Nai là một sông già được trẻ lại do tác động của tạo sơn Tân Sinh mà biểu hiện qua các cao nguyên xếp tầng: Lang Biang với độ cao khoảng 1.500m, Di Linh với độ cao khoảng 1.000m, các cao nguyên Mạ và Mnông với độ cao bình quân 750m và cuối cùng là đồng bằng Nam Bộ. Do đó trắc diện dọc của sông có dạng bậc thang phức tạp. Tuy vậy vẫn có thể chia sông thành 3 đoạn chính như sau:
+ Thượng lưu: tồn tại trong một đoạn ngắn từ nguồn cho tới Đankir ( Lâm Đồng), ở đây lòng sông sông hẹp và có độ dốc rất lớn ( từ 20 – 25%), lòng sông lởm chởm đá, nhiều thác ghềnh, nên không có tác dụng về giao thông thủy, cũng như thủy lợi. Đây là đoạn sông cũ, chưa bị tác dụng xâm thực thứ sinh.
+ Trung lưu: phát triển rất dài từ Đankir (Lâm Đồng) cho đến Tân Uyên ( Bình Dương), nói chung đoạn này lòng sông mở rộng, độ dốc giảm nhiều so với thượng lưu. Dòng sông uốn khúc quanh co giữa các cồn cát. Dòng sông mới đang phát triển trong lòng sông này, lượng nước đã nhiều hơn nên việc đi lại thuận lợi hơn. Tuy vậy ở các chổ chuyển tiếp của các cao nguyên, độ dốc lòng sông tăng và hình thành nhiều thác Ankroet, Trị An, Đa Nhim.
+ Hạ lưu: không phát triển lắm trên đoạn từ Tân Uyên (Bình Dương) cho ra tới Cần Giờ, ở đoạn này lòng sông rất rộng và sâu, cụ thể đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai lòng sông rộng từ 800m đến 1.200m và sâu trên 18m, đoạn này chịu tác động mạnh của thủy triều, nên mang tính chất của dạng cửa sông Vịnh khá điển hình, thủy triều tác động lên đến Tân Uyên với biên độ chênh lệch khá lớn. Đây là đoạn tuyến có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển các đô thị nằm dọc theo sông Đồng Nai như TP Biên Hòa, TP Nhơn Trạch - Đồng Nai, Thị xã Tân Uyên – Bình Dương, huyện Cần Giờ, quận 9 – TP Hồ Chí Minh.
Hệ thống sông Đồng Nai có khá nhiều phụ lưu, số phụ lưu có chiều dài dòng sông trên 10km là 233 sông. Tuy vậy trong số các phụ lưu này, đáng kể cũng chỉ có một vài sông lớn thuận lợi cho giao thông thủy như Sông Bé, Sài Gòn và hệ thống sông Vàm Cỏ lòng sông rộng và sâu.
Tóm lại về mặt hình thái đây là một con sông lớn, song lưu vực hầu như nằm trên lãnh thổ nước ta. Đặc biệt dòng sông lại phát triển trên các cao nguyên xếp tầng, sông nhiều nước, lũ ít đột ngột. Hạ lưu, nhất là cửa sông có dạng vịnh nên đi lại thuận tiện, có nhiều điều kiện để xây dựng các cảng sông, cảng sông pha biển tiếp đón những tàu biển có trọng tải lớn.
1.2/ Đặc trưng thủy văn:
Sông Đồng Nai có lượng nước phong phú, do lưu vực sông nằm ở sườn đón gió mùa Tây – Nam, đồng thời chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông - Bắc, nên lượng mưa ở đây khá lớn có thể tới 2.300mm/năm và mùa mưa kéo dài 6-7 tháng trong năm từ tháng từ tháng IV – X dương lịch. Lưu lượng nước trên sông Đồng Nai mỗi năm đổ ra biển (không kể đến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ) khoảng 22 tỉ m3 nước/năm. Môđul dòng chảy bình quân của sông Đồng Nai là 40,6l/s-km2 tức là lớn hơn môdul dòng chảy bình quân của các sông trên cả nước.
Sông Đồng Nai có chế độ nước chảy khá đơn giản, trong mùa mưa thường có dạng hai đỉnh. Trong năm thủy văn chỉ có một mùa lũ và một mùa cạn kế tiếp nhau. Ngoài mùa lũ chính thức còn có mùa lũ tiểu mãn ngắn, đặc điểm này này do tác động điều tiết tự nhiên của lưu vực, nhất là vai trò của lớp thổ nhưỡng dày. Cũng do tác động điều tiết của tự nhiên nên cường độ lũ trên sông Đồng Nai không lớn: lượng nước mùa lũ trung bình khoảng 68% tổng lượng nước cả năm
Thời gian lũ của Sông Đồng Nai bắt đầu khá muộn so với mùa mưa. Một số nơi có mùa lũ xảy ra trong các tháng VII-X dương lịch, thường thì lũ xảy ra chậm hơn mùa mưa khoảng 2-4 tháng, tháng đỉnh lũ thường xảy ra ở tháng 8-9 và đây cũng là tháng có lượng mưa tập trung lớn nhất.
Theo niên sử Đồng Nai, sông Đồng Nai ít lũ và phần lớn là lũ nhỏ, tuy nhiên vào năm 1952 ( năm nhâm Thìn) sông Đồng Nai xuất hiện lũ lịch sử làm ngập TP Biên Hòa trên 3m (khu vực chợ Biên Hòa), cao trình đỉnh lũ đối với cơn lũ này khoảng +8.00 m
Dòng chảy nhiệt của hệ thống sông Đồng nai thuộc loại khá lớn, trung bình khoảng 37.907.106kcal/s. Nhiệt độ nước bình quân nhiều năm của sông Đồng Nai là 27,5 0C.
** Thủy triều:
Đoạn sông Đồng Nai từ cửa sông đến phạm vi nội ô TP Biên Hòa có chế độ bán nhật triều. Hàng ngày có hai lần triều lên và hai lần triều xuống với chênh lệch rõ rệt mực nước của hai kỳ nước ròng. Tại vùng cửa sông (khu vực TP Nhơn Trạch) chế độ triều biến thiên phức tạp. Độ lớn triều trong kỳ nước cường là 2-3,5m, thuộc loại lớn tại Việt Nam. Trong kỳ nước kém, triều vẫn lên xuống khá mạnh, độ lớn triều có thể tới 1,5m-:-2,5m. Độ dốc mặt nước tại Biên Hòa lớn hơn từ 2 – 4 lần so với độ dốc mặt nước khu vực Nhà Bè.
Biên độ triều lớn tại khu vực cửa sông dẫn đến phạm vi ảnh hưởng triều trên sông Đồng Nai rất lớn, đặc biệt là vào mùa khô.
1.3/ Khả năng vận tải thủy:
Sông Đồng Nai là một sông lớn của nước ta khả năng giao thông thủy rất lớn, là một tuyến đường thủy nội địa có ý nghĩa quan trọng trong việc nối liền các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây – Nam Bộ. Tuy vậy hiện nay vấn đề giao thông thủy chỉ thuận tiện cho các tàu đến 1.000-2.000DWT từ cửa biển đến cảng Đồng Nai (hạ lưu cầu Đồng Nai).
Phía thượng lưu cầu Đồng Nai (sông Đồng Nai chảy trong phạm vi Tp Biên Hòa) và do vướng tỉnh không thông thuyền của cầu Đồng Nai và cầu Hóa An nên chủ yếu là các tàu khách và các xà lan có trọng tải <1000 tấn lưu thông.
** Tóm lại sông Đồng Nai là một con sông lớn của nước ta, đoạn hạ lưu sông chảy qua các địa phận Tân Uyên ( Bình Dương), TP Biên Hòa, TP Nhơn Trạch (Đồng Nai), quận 9, Cần giờ (TP Hồ Chí Minh); độ dốc lòng sông nhỏ, lưu tốc nhỏ, bề rộng lòng sông từ 800m – 1200m ( ngoại trừ khu vực cửa sông Soài Rạp), chiều sâu mực nước trung bình 15-18m.
Vì vậy việc lựa chọn kiểu dáng hình thức và kết cấu các cầu vượt sông Đồng Nai, nhất là trong khu vực nội ô TP Biên Hòa là vấn đề cần nghiêm túc nghiên cứu để phù hợp với đặc điểm cầu trong đô thị và đặc điểm hình thái của sông Đồng Nai
Một số hình ảnh sông Đồng Nai khu vực nội ô TP Biên Hòa


2. CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT DỌC SÔNG ĐỒNG NAI
2.1/ Khu vực TP Biên Hòa
Căn cứ kết qủa tra cứu hồ sơ địa chất của cầu Đồng Nai mới và Hóa An 2 cho thấy cấu tạo địa tầng tính từ trên xuống bao gồm các lớp sau:
+ Lớp số 1 (là lớp đất 2 bên bờ sông): Sét pha màu xám xanh, trạng thái dẻo chiều dày từ 0,7 – 2m, trị số SPT N=13-17.
+ Lớp số 2: cát hạt thô đến vừa mầu xám đen, trạng thái chặt vừa, chiều dày thay đổi từ 1,6-12m. Trị số SPT N=8-25, đây là lớp phân bố khá rộng.
+ Lớp 3: Sét pha cát màu xám trắng, xám vàng, trạng thái dẻo mềm, chiều dày thay đổi từ 0,6 đến 2,3m. Trị số SPT N=4-5
+ Lớp số 4: Sét pha cát màu xám xanh trạng thái dẻo chảy đến nữa cứng chiều dày thay đổi từ 2-3m. Trị số SPT N=2-9, đây là lớp phân bố dọc hai bên bờ sông.
+ Lớp số 5 Cuội màu nâu xám, kết cấu chặt, chiều dày thay đổi từ 0,3-2,1m. Trị SPT N≥50.
+ Lớp số 6: Đá granit poochia, màu xám xanh phong hóa nứt nẽ dày > 10m, càng xuống sâu độ cứng đá càng tăng.
2.2/ Khu vực ngoài Tp Biên Hòa về đến cửa biển (điển hình là khu vực huyện Nhơn Trạch)
+ Lớp 1: Lớp bùn sét lẫn hữu cơ, màu xám đen, đôi chổ có lẫn than bùn, đây là lớp phân bố rộng của khu vực chiều dày lớp từ 5m đến 24m (càng gần về hướng Cần Giờ chiều dày lớp càng tăng), lớp này là lớp đất yếu.
+ Lớp 2 : Sét pha cát màu xám vàng, trạng thái dẻo cứng chiều dày lớp này từ 5-8m, lớp này phân bố rộng trên địa hình khu vực chỉ số SPT N=12, sức chịu tải quy ước R = 2,2 KG/cm2
+ Lớp 3: lớp cát mịn, màu xám vàng kết cấu chặt vừa chiều dày lớp trung bình 8m, là lớp đất phân bố rộng trên khu vực. Chỉ số SPT N=24, sức chịu tải quy ước R = 2,5 KG/cm2
+ Lớp 4: lớp sét pha cát có lẫn sỏi sạn màu xám vàng đến xám đen chiều dày trung bình 3m. Chỉ số SPT N=21, sức chịu tải quy ước R = 3,5 KG/cm2
+ Lớp 5: lớp cát hạt vừa màu xám vàng đến xám trắng kết cấu chặt vừa, đây là lớp phân bố rộng, chiều dày lớp này từ 9-14m, chỉ số SPT N=26, cường độ quy ước R = 3 KG/cm2
+ Lớp 6: lớp sét màu xám xanh lẫn sạn trạng thái dẻo cứng, chiều dày lớp trung bình 4m, chỉ số SPT N=30, sức chịu tải quy ước R = 1,2 KG/cm2
+ Lớp 7: Cát pha sét màu xám trắng trạng thái dẻo dày trung bình 5m, chỉ số SPT N=30, sức chịu tải quy ước R = 1,5 KG/cm2.
+ Lớp 8: bột kết phong hóa không đồng đều dày trên 3m là lớp phân bố trên diện rộng của khu vực chỉ số SPT N=46, sức chịu tải quy ước R = 5 KG/cm2.
( theo tài liệu khoan và thí nghiệm địa chất cầu vượt sông Đồng Nai nối Nhơn Trạch và Q9)
** Như vậy khu vực TP Biên Hòa địa chất tương đối đơn giản, cường độ các lớp đất đá tăng dần theo chiều sâu và đến độ sâu từ 15 – 20m gặp lớp đá gốc cứng chắc có cường độ cao, thuận tiện cho công tác xây dựng nền móng mố trụ cầu. Với khu vực Tp Biên Hòa xây dựng móng là hệ cọc khoan nhồi đường kính từ 1 -2m là thuận tiện.
** Khu vực TP Nhơn Trạch ra đến cửa sông địa chất có cấu trúc phức tạp, chiều dày lớp đất yếu lớn, không thuận tiện nhiều cho việc xây dựng móng mố trụ cầu, đối với những cầu hiện đại có tải trọng lớn thì nên xây dựng móng là các giếng chìm, hoặc các cọc khoan nhồi có đường kính từ 1,5m-:- 2m dài trên 50m.
Người viết: TS. Nguyễn Lộc Kha
TS kỹ thuật chuyên ngành Cầu – đường bộ
Các tài liệu tham khảo:
1. Niên sử Đồng Nai
2. Hồ sơ thiết kế cầu Đồng Nai
3. Hồ sơ thiết kế cầu Hóa an
4. Hồ sơ thiết kế cầu nối Nhơn Trạch và Q9
Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Lộc Kha
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn cdcdongnai.com là vi phạm bản quyền