Sau một thời gian dài chuẩn bị, ngày 19/7, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được Bộ GTVT, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và các nhà thầu chính thức khởi công xây dựng.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC - đơn vị làm chủ đầu tư dự án trao đổi với PVBáo Giao thông xung quanh công tác chuẩn bị và triển khai thi công tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia này.
Là chủ đầu tư dự án, ông đánh giá thế nào về quá trình chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc này?
Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam. Công trình có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch các tỉnh, thành có tuyến đường đi qua. Cùng với đó, dự án đi qua khu vực địa chất rất phức tạp, chủ yếu là nền đất yếu. Đồng thời, tuyến đường cũng phải qua 2 con sông lớn là Lòng Tàu và Soài Rạp được quy hoạch cho giao thông hàng hải có tàu trọng tải lớn đi qua nên phải thiết kế cầu dây văng.
Do vậy, quá trình chuẩn bị dự án này gặp khá nhiều khó khăn, mất nhiều năm, qua nhiều lần thay đổi cơ chế và nguồn vốn. Đến năm 2010, Bộ GTVT mới giao cho VEC làm chủ đầu tư, tìm kiếm các nhà tài trợ vốn để triển khai dự án. Cũng trong năm 2010, thiết kế đầu kỳ mới được phê duyệt. Năm 2012, toàn bộ thiết kế kỹ thuật được hoàn thành. Tuy nhiên, do lạm phát, trượt giá nên thiết kế đó lại làm tăng tới khoảng 10.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư.
Trước tình trạng này, Bộ GTVT chỉ đạo VEC và tư vấn rà soát lại toàn bộ thiết kế, không làm tăng tổng mức đầu tư. Thời gian để rà soát, thay đổi thiết kế mất tới hơn 1 năm mới hoàn thành.
Bên cạnh việc thay đổi thiết kế, công tác thu xếp vốn cho Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng khá nan giải. Thời gian đầu, do việc thu xếp vốn đối ứng cho GPMB khó khăn nên ADB và các đối tác tài trợ vốn không đồng thuận. VEC đã nhiều lần báo cáo Bộ GTVT để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án. Đến nay mọi việc mới dần ổn thỏa.
Dư luận đánh giá rất cao Bộ GTVT và chủ đầu tư đã rà soát thiết kế, tiết giảm được khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án. Ông có thể cho biết, việc làm này có làm ảnh hưởng đến quy mô và khai thác công trình?
Xin khẳng định là không ảnh hưởng gì. VEC đã thực hiện triệt để 8 giải pháp để không làm tăng tổng mức đầu tư, trong đó có tiến hành phân kỳ đầu tư hợp lý, sử dụng những kết cấu, công nghệ thông thường thay cho các kết cấu đặc biệt, đắt tiền phải nhập ngoại.
Chẳng hạn như hai cầu dây văng lớn Bình Khánh và Phước Khánh, lúc đầu tư vấn Nhật Bản thiết kế dầm thép, nhưng sau mình rà soát, chỉ làm dầm bê tông cốt thép. Hay nhiều đoạn làm cầu cạn, giờ chuyển sang chỉ làm đường, xử lý triệt để nền đất yếu…
Liên quan đến vấn đề thu xếp vốn, hiện nay phần vốn ADB vẫn chưa được VEC thu xếp ổn thỏa, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành lên tới 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD). Trong đó, vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD. Vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Cho đến nay, phần vốn của JICA đã thu xếp xong. Còn lại vốn của nhà tài trợ ADB hiện mới chỉ hoàn tất được phần phía Tây. Phần phía Đông, VEC đang tích cực đàm phán với ADB để tiến hành nốt các thủ tục còn lại. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải đầu năm 2015 mới xong được.
Đến nay, VEC đã và đang triển khai thi công nhiều dự án cao tốc lớn, vậy VEC có rút ra được những bài học gì để áp dụng vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thưa ông?
Các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai là những dự án đầu tay của VEC. Hiện nay, VEC cũng đang đẩy nhanh quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau khi triển khai các dự án này, VEC rút ra được rất nhiều bài học quý để áp dụng vào Bến Lức - Long Thành và các công trình khác.
Đầu tiên phải triển khai đồng bộ các giải pháp đấu thầu. Khi thu xếp xong nguồn vốn phải tiến hành đồng thời công tác đấu thầu tại tất cả các gói thầu. Cùng với đó, VEC xây dựng tiến độ tổng thể cho cả dự án để đảm bảo không bị vỡ kế hoạch. Các nhà thầu đều được quản lý chặt chẽ theo đầu công việc, sau khi khởi công phải huy động tổng lực thiết bị, máy móc, nhân lực tới công trường thi công. Với các nhà thầu không đảm bảo năng lực, kể cả nhà thầu chính và nhà thầu phụ phải kiên quyết loại bỏ khỏi công trường.
Hiện nay, nguồn vốn đối ứng cho GPMB tại dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay từ thời điểm này, cùng với việc đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm bố trí, VEC cũng không trông chờ, ỷ lại mà rà soát, tìm kiếm nhiều nguồn vốn hợp pháp khác để có đủ vốn đối ứng cho các địa phương đền bù, GPMB. Chỉ khi công tác GPMB được tháo gỡ toàn bộ vướng mắc và bàn giao sớm, tiến độ dự án mới đảm bảo.
Vậy đến khi nào Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành? Ông có cam kết tuyến đường không bị chậm tiến độ so với một số công trình cao tốc trước đây do VEC triển khai?
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018. Với tất cả các giải pháp đồng bộ của chủ đầu tư, các nhà thầu, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành và chính quyền, nhân dân vùng dự án đi qua, VEC cam kết sẽ nỗ lực tối đa để cùng các nhà thầu triển khai quyết liệt công tác thi công, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và mỹ thuật cao.
Cảm ơn ông!
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có điểm đầu tại Km0+600, giao giữa đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và đường Vành đai 3. Điểm cuối dự án giai đoạn 1 tại Km57+700, nút giao với QL51. Điểm cuối dự án giai đoạn 2 tại Km58+500, điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án có chiều dài 57,1km, đi qua các tỉnh Long An - TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h cùng 16 hạng mục cầu, 6 nút giao trong giai đoạn 1 và 2 nút giao trong giai đoạn 2.
Dự án được xây dựng đồng bộ hệ thống ATGT, cây xanh, chiếu sáng. Công trình phụ trợ bao gồm: Trung tâm điều hành giao thông, trung tâm vận hành và bảo trì, trạm dịch vụ, trạm dừng xe, trạm thu phí và hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương hơn 1.6 tỷ USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD.
|