Sau khi cầu vượt nút giao ngã tư Vũng Tàu hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai đã tiếp tục lập phương án đầu tư hầm chui và cầu vượt qua ngã tư Tam Hiệp và Amata.
* Xây theo địa hình có sẵn
Ông Lê Đông Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cầu lớn và hầm - đơn vị tư vấn - cho biết công ty đã nghiên cứu kỹ hai nút giao ngã tư Tam Hiệp, Amata và đưa ra nhiều phương án. “Ban đầu, chúng tôi cho rằng tại vòng xoay Tam Hiệp nên chọn phương án làm cầu vượt, nối từ đường Phạm Văn Thuận sang đường Bùi Văn Hòa, vượt qua QL1. Phương án này chỉ cần cầu nhỏ, song lại vướng giải phóng mặt bằng ở đường Phạm Văn Thuận rất nhiều với khoảng 125 hộ dân” - ông Hà nói.
Ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) thường xảy ra tình trạng kẹt xe. |
Theo đó, phương án làm hầm chui trên QL1 qua ngã tư này được xem là tối ưu nhất, do không phải giải phóng mặt bằng và nâng cấp cầu Suối Linh. Ngoài ra phương án này còn tận dụng tối đa địa hình dốc tự nhiên thuận tiện cho việc kết nối với cầu Suối Linh từ chân dốc, các vấn đề khác như thông gió và thoát nước tự nhiên rất tốt. Theo thiết kế, hầm chui sẽ được xây dựng 4 làn xe cơ giới và ở mỗi bên đường hầm có thêm 1 đường gom 2 làn xe, như vậy tổng cộng có 8 làn xe. Kinh phí để xây dựng hầm chui khoảng 213 tỷ đồng và thời gian thi công trong 8 tháng. Theo chủ đầu tư, nếu làm cầu vượt thép dọc theo QL1 tại đây, tương tự như cầu vượt ở ngã tư Vũng Tàu sẽ tốn khoảng 240 tỷ đồng.
Khu vực ngã tư Amata cũng được chủ đầu tư cân nhắc giữa 2 phương án làm cầu vượt dọc theo QL1 và cầu vượt từ đường Đồng Khởi sang Amata. Nơi đây địa hình tương đối bằng phẳng nên phương án làm hầm chui không tốt. Sau khi được đơn vị tư vấn phân tích kỹ, chủ đầu tư đã quyết định chọn phương án xây cầu vượt dọc theo QL1, mặc dù có mức vốn đầu tư cao hơn khoảng 35 tỷ đồng. Ông Hà phân tích: “Lưu lượng xe từ đường Đồng Khởi vào Amata chủ yếu là xe máy, và chỉ đông vào giờ cao điểm, sau khi hết giờ cao điểm xe qua lại rất ít, vì vậy nếu làm cầu vượt theo hướng này sẽ không phát huy được hiệu quả và ô tô vẫn bị kẹt ở đây”. Theo thiết kế, cầu cũng có 4 làn xe cơ giới và đường gom 2 bên cầu mỗi bên 2 làn xe. Số vốn xây dựng theo đề xuất của đơn vị tư vấn là cầu dầm hộp có tổng trị giá khoảng 155 tỷ đồng.
* Đảm bảo mỹ quan đô thị
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, việc chủ đầu tư chọn 2 phương án xây dựng hầm chui và cầu vượt tại hai nút giao này là hợp lý. Vì hai nút giao này đều nằm ở cửa ngõ của TP.Biên Hòa, nên các công trình ở đây ngoài việc giải quyết ùn tắc còn phải đảm bảo an toàn giao thông và tính mỹ quan cho đô thị. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh hoàn toàn đồng ý hai phương án này vì đều đáp ứng được các tiêu chí.
Ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải, cũng cho rằng việc thiết kế hầm chui ở ngã tư Tam Hiệp là tốt nhất vì không phá vỡ cảnh quan của cửa ngõ vào TP.Biên Hòa. “Ở vòng xoay ngã tư Tam Hiệp có độ dốc từ phía TP.Hồ Chí Minh ra hướng Bắc khá cao, nếu xây cầu vượt ở đây sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn giao thông và đặc biệt sẽ phá vỡ cảnh quan” - ông Bình nói.
Ngay cả cầu vượt ở Amata, chủ đầu tư cũng cho rằng nơi đây cần xây dựng bằng cầu dầm hộp để tăng vẻ mỹ quan hơn so với cầu bình thường, mặc dù giá cao hơn khoảng 21 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, nếu Bộ Giao thông - vận tải sớm duyệt 2 dự án, đơn vị sẽ cho thi công gấp rút ngay, 2 công trình này sẽ sớm đi vào thực hiện.
Nguồn tin: baodongnai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn