Thu hút đầu tư nước ngoài: Vượt mốc 1 tỷ USD
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 9, Đồng Nai đã thu hút 117 dự án FDI với tổng vốn gần 1,2 tỷ USD. Trong đó, 59 dự án cấp mới có tổng nguồn vốn đăng ký gần 421 triệu USD và 58 dự án tăng vốn bổ sung khoảng 770 triệu USD. Các dự án phần lớn là đầu tư vào sản xuất và công nghiệp hỗ trợ, đúng những ngành nghề tỉnh đang mời gọi đầu tư.
* Về đích sớm
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, vốn FDI vào Đồng Nai chủ yếu thuộc các quốc gia châu Á. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong đầu tư mới vào tỉnh và tiếp đến là Hàn Quốc. Cụ thể, trong 58 dự án đầu tư mới thì có 25 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản và 17 dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu tư cho hay, tại khu vực phía Nam, Đồng Nai là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn vì hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng được giải quyết nhanh gọn.
Ông Imamura Tomofumi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, cho biết: “Đồng Nai có tốc độ xử lý các thủ tục hành chính nhanh hơn các tỉnh khác. Những thắc mắc, đề nghị của doanh nghiệp được chính quyền trả lời, thực hiện nhanh và thuận lợi. Khi doanh nghiệp gặp vướng mắc trong hoạt động sản xuất luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ban ngành của tỉnh”. Ông Imamura Tomofumi còn cho biết thêm, các thuận lợi trên đều được ông thông báo cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư.
Trong 59 dự án FDI cấp mới, có 14 dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD là: Công ty TNHH Volcafe Việt Nam của Singapore với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, Công ty TNHH Kuk Il Việt Nam của Hàn Quốc, Công ty TNHH Tayca Việt Nam, Công ty TNHH KYC Machine Industry Việt Nam, Công ty TNHH Kyodo Printing của Nhật Bản... Các dự án tăng vốn lớn đa số thuộc các doanh nghiệp Đài Loan, gồm: Công ty TNHH Shing Mark Vina, Công ty TNHH hưng nghiệp Formosa, Công ty TNHH Formosa Taffeta... |
Trong đợt thăm và làm việc tại Đồng Nai vào giữa tháng 7-2014, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Nakajima Satoshi khẳng định: “Khoảng 2 năm nay, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng cao, trong đó Đồng Nai là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn. Bởi đây là địa bàn giao thông thuận lợi và hoàn chỉnh hơn so với nhiều tỉnh khác. Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Đồng Nai được hỗ trợ nhiều nên hoạt động khá hiệu quả. Thời gian tới, Lãnh sự quán Nhật Bản tiếp tục là cầu nối giới thiệu doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh”. Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc mà đại sứ Thái Lan, Israel, Áo, Chile... cũng đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư để giới thiệu cho các doanh nghiệp nước mình. Và hầu hết đều đánh giá Đồng Nai là nơi thuận lợi để đầu tư phát triển công nghiệp.
* Chọn lọc dự án
Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu cho hay: “Các dự án đầu tư vào tỉnh từ đầu năm đến nay đều phù hợp với chủ trương của tỉnh là thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, có vốn đầu tư lớn. Có được kết quả trên là nhờ tỉnh rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư thương mại, kêu gọi đầu tư...”. Theo bà Thu, việc thu hút đầu tư của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn vì có chọn lọc dự án, những dự án xin đầu tư mang nguy cơ gây ô nhiễm cao đều phải từ chối. Công nghiệp phụ trợ là lĩnh vực Việt Nam cũng như Đồng Nai ưu tiên kêu gọi đầu tư, nhưng hiện chính sách của Chính phủ quy định các ưu đãi cho lĩnh vực này chưa rõ ràng nên một số nhà đầu tư còn ngập ngừng chờ đợi.
Đồng Nai xếp thứ 3 trong thu hút FDI Với tổng vốn FDI thu hút trong gần 9 tháng của năm 2014 xấp xỉ 1,2 tỷ USD, Đồng Nai vươn lên là tỉnh xếp thứ 3 trong cả nước, chiếm tỷ lệ 10,5% trong tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Đứng đầu là tỉnh Bắc Ninh với nguồn vốn thu hút được khoảng 1,36 tỷ USD, tiếp đến là TP.Hồ Chí Minh với 1,28 tỷ USD. Tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng của năm đạt trên 11 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2013. |
“Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành và hàng loạt con đường, cầu hoàn thành giúp giao thông Đồng Nai thuận tiện. Tới đây cao tốc Long Thành - Dầu Giây thông xe và tương lai là sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng sẽ là một trong những yếu tố hàng đầu giúp nhà đầu tư chọn Đồng Nai. Song hiện tỉnh đang vướng nhất là Chính phủ chưa có chính sách ưu đãi cụ thể cho công nghiệp phụ trợ và đầu tư về nông thôn nên hạn chế nhiều trong việc kêu gọi đầu tư” - ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nói.
Nếu Chính phủ sớm ban hành các quy định rõ ràng trong việc ưu tiên thu hút đầu tư về nông thôn, công nghiệp phụ trợ thì nguồn vốn FDI vào Đồng Nai sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Nguồn tin: baodongnai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn