Liên quan đến việc cân xe, ngày 28/7, Báo Giao thông điện tử đã tổ chức buổi tọa đàm “Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe” với sự tham gia trả lời trực diện nhiều vấn đề “nóng” của các vị khách mời là lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, Thanh tra Bộ GTVT, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp vận tải.
Xe ben chở đá tung hoành trên đường tại xã Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai |
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lý giải về việc vì sao khó bắt được tiêu cực trong cân xe: “Hầu như địa phương nào cũng có một đoàn xe vua, được bảo lãnh của các cấp thẩm quyền ở địa phương. Có sự hình thành những nhóm lợi ích tìm mọi cách đối phó với chủ trương siết chặt xe quá tải”.
Theo ông Thanh cần gắn các trạm cân gần các trạm thu phí, có thể xử phạt nóng ngay, cũng có thể xử nguội. Chúng ta có thể phạt theo quãng đường mà đoàn xe quá tải chạy, phạt thật nặng chứ vài ba triệu thì không ăn thua. Đồng thời, cũng phạt thật nặng những đơn vị kiểm tra xử lý. Không thể nói là nghiệp vụ kém rồi cứ để cho xe qua được.
Khi được doanh nghiệp phản ánh rằng CSGT chỉ bắt những xe của các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ việc xếp hàng vào cân là nhiều nên tỷ lệ phát hiện vi phạm chỉ ở mức 10 - 20%, vậy tiêu chí nào để CSGT gọi xe vào trạm cân, có tiêu cực ở đây không? Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng, khi dừng phương tiện chủ yếu quan sát bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm, theo các tiêu chí như: Các mặt hàng được chở (vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép), xe có dấu hiệu cơi nới hay dựa trên tiếng máy, tốc độ xe... “Có doanh nghiệp nói là xe nhỏ vượt tải trọng không đáng kể bị dừng, theo tôi là không phải. Chúng tôi chỉ tập trung xử lý các xe vượt quá tải trọng nhiều. Hiện chúng tôi cũng chưa phát hiện được vụ việc nào tiêu cực liên quan tới cân xe” - ông Tuấn nói.